Có nguyên nhân từ việc cắt giảm chi phí bảo hộ lao động
Sở Xây dựng Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm của người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đối với công tác ATVSLĐ- PCCN“. Tại cuộc hội thảo này, nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) được phân tích mổ xẻ. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khiến nhiều phải giật mình, đó là do cạnh tranh bỏ thầu thấp để lại hậu quả không chỉ là chất lượng công trình không đảm bảo mà cả chi phí trang bị bảo hộ cá nhân, lưới che chắn, giàn giáo… cũng bị tiết giảm dẫn đến TNLĐ nghiêm trọng.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng, nguy cơ
xảy ra TNLĐ luôn thường trực trong quá trình làm việc của người lao
động ở các công trường xây dựng, công trình càng lên cao thì nguy cơ đối
với người lao động cũng luôn tỷ lệ thuận.
Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà
Nội đưa ra một thực tế đáng lo ngại khi nhiều công trình xây dựng không
thực hiện đầy đủ công tác an toàn lao động - bảo hộ lao động (BHLĐ).
Trong đó, phải kể đến việc công nhân làm việc dưới bán kính quay của cần
cẩu khi thi công ép cọc diễn ra thường xuyên. Thậm chí, công nhân còn
đeo bám người trên móc cẩu.
Việc thi công trên cao, đặc biệt khi thi công
kết cấu cột bê tông cốt thép không có biện pháp đảm bảo an toàn, không
có hệ thống sàn công tác đủ rộng, đủ chắc chắn để công nhân thao tác ở
vị trí các hố móng sâu, các biên sàn, sàn mái, ô cầu thang... về nguyên
tắc phải có lan can bảo vệ nhưng thực tế trong quá trình thi công ít
được quan tâm làm rào chắn hoặc rào chắn chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhiều ý kiến tham luận cho rằng: Việc đầu tư
trang thiết bị BHLĐ tại các công trình hiện còn mang nặng tính hình
thức. Hầu như chỉ có một số ít mũ BHLĐ đặt tại văn phòng ban chỉ huy
công trường để phục vụ cho các cán bộ kỹ thuật hoặc khi có các đoàn kiểm
tra của cơ quan quản lý.
Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao
động cao phải kể đến do các nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ quy định về
BHLĐ, thiếu quan tâm, kiểm tra. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp
hành nội quy an toàn lao động của người lao động còn yếu kém. Tình trạng
chạy theo tiến độ hoặc khoán trắng công việc còn xảy ra ở nhiều nơi.
Các vụ tai nạn do ngã từ trên cao xuống, do vật liệu rơi, đổ; tai nạn
khi làm việc ở những vị trí cheo leo hoặc những nơi làm việc nguy hiểm
nhưng thiếu bảo hiểm, cảnh giới vẫn còn tái diễn.
Thực tế trong ngành GTVT cho thấy, do chế tài
xử phạt những người gây ra TNLĐ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mức phạt
đối với nhà thầu không trang bị đủ phương tiện BHLĐ không cao nên một số
cá nhân chủ nhiệm công trường chấp nhận đóng phạt còn đỡ tốn hơn sắm
trang thiết bị BHLĐ.
Một nguyên nhân rất đáng chú ý đó là nhiều nhà
thầu lấy lý do lãi suất trong xây dựng ngày càng giảm nên né tránh không
chịu trang bị phương tiện BHLĐ cho công nhân. Do cạnh tranh trong đấu
thầu, các đơn vị trong ngành xây dựng phải bỏ thầu thấp để được trúng
thầu. Khi trúng thầu rồi, họ phải giảm chi phí bằng mọi cách, trong đó
có giảm chi phí bảo BHLĐ cá nhân, lưới che chắn, sàn thao tác, hệ thống
giàn giáo... Khi xảy ra tai nạn thì chỉ có người tham gia lao động và
gia đình họ là chịu thiệt thòi, mất mát.
Nhân Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN năm 2011, để khắc phục
tình trạng nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần phải
kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm phát luật lao động, đề nghị truy tố
các doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp an toàn lao động, để xảy
ra tai nạn chết người.
Cần có chế tài xử phạt nghiêm túc đối với các
doanh nghiệp, đơn vị vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng
chống cháy nổ, đặc biệt là trang bị BHLĐ. Tránh tình trạng bỏ thầu thấp
rồi cắt giảm chi phí BHLĐ.
Nên chăng các cơ quan có trách nhiệm cần xem
xét ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu xây lắp, chú trọng nhiều hơn đối với
công tác an toàn lao động và BHLĐ, thậm chí có thể đưa thành các điều
kiện để xét trúng thầu.
T.T